Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Kinh nghiệm chăm sóc trẻ - Phần 12

(Làm cha me)


Truyền dịch để hạ sốt cho trẻ: Sai lầm
Trong tình hình thời tiết nắng nóng, dễ mắc bệnh hiện nay, nhiều bác sĩ nhi khoa cho biết, hầu như ngày nào họ cũng nhận được yêu cầu từ phía người nhà bệnh nhi xin truyền dịch để giúp trẻ... hạ sốt, bồi bổ cơ thể 
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vào thời điểm nắng nóng, do lượng trẻ bị sốt virus nhiều hơn, nên ngoài việc cho trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế, không ít bậc phụ huynh tìm cách hạ sốt nhanh cho trẻ bằng phương pháp truyền dịch. 
Sốc dịch truyền gia tăng 
Hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 10- 20 trẻ bị sốt virus, trong đó có không ít trường hợp bị sốc do truyền dịch. Bất chấp điều này, bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng Khoa khám Nhi Bệnh viện Xanh pôn (Hà Nội), cho biết có rất nhiều phụ huynh còn nói với nhau và gợi ý phương pháp điều trị cho bác sĩ rằng, truyền được chai nước vào người là mọi thứ sốt, thậm chí sốt ác tính cũng giảm ngay mà lại không có hại đối với trẻ nhỏ... Và thực tế, cũng không ít cháu bé được nhập viện khi trước đó đã được truyền một vài chai nước nhưng không thấy đỡ. 
Trường hợp chị Thanh Hà, ngụ tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, là một ví dụ. Chị Hà cho biết, mỗi khi bé gái nhà chị sốt nhẹ, chị đều mời y tá ở phường đến truyền 2- 3 chai dịch để “giải nhiệt” cho cháu. Sau khi truyền dịch, cháu hạ sốt rất nhanh, nhưng lần này đột nhiên cháu bị sốc, người tím tái, khó thở, toát mồ hôi... nên phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ Thu, đây không phải là trường hợp điển hình, mặc dù những năm gần đây, hiện tượng sốc do truyền dịch đã giảm đi rất nhiều, do chất lượng dịch truyền tốt hơn, dụng cụ tiêm truyền cũng bảo đảm vô trùng hơn, nhưng hằng năm vẫn có nhiều trường hợp cấp cứu do sốc truyền dịch. Hầu hết, đó là những trường hợp được truyền dịch tại nhà, các phòng khám tư nhân hay trung tâm y tế xã, phường. 
Có thể gây ra nhiều biến chứng 
Theo các chuyên gia nhi khoa, cho đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh dịch truyền là biện pháp hiệu quả trong hạ sốt ở trẻ em. Ngoài những phản ứng phụ đối với sức khỏe, theo bác sĩ Thu, chi phí cho dịch truyền, dụng cụ truyền, công truyền cũng phải 40.000- 50.000 đồng/lần, trong khi đó tác dụng không hơn gì cho trẻ uống nước. Nếu cháu bé bị sốt do viêm phổi, việc truyền dịch còn làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. “Bản chất truyền dịch không phải cắt sốt, hạ sốt, chỉ khi sốt kéo dài bác sĩ mới chỉ định truyền dịch. Tuy nhiên, do quan niệm sai lệch của không ít người, nên việc truyền dịch đang có xu hướng bị lạm dụng, nhất là ở các phòng khám tư”- bác sĩ Thu nhấn mạnh. 
Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Lê Thanh Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu lưu Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết sốt là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể. Khi có tác nhân có hại từ bên ngoài, cơ thể sẽ tăng chuyển hóa giúp bảo vệ cơ thể chống đỡ bệnh tật nhanh và tốt hơn. Nếu chỉ sốt dưới 38,5oC thì không quá nguy hiểm. Chỉ khi trẻ sốt cao tới 39- 40oC, cơ thể bị mất nước và suy kiệt mới cần những can thiệp đặc biệt. Khi đó, quan trọng nhất là cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, chườm khăn ấm khoảng 35- 37oC, đồng thời, cho trẻ uống nước đầy đủ theo nhu cầu để bù lại lượng nước đã mất. Cách làm này có thể giảm nhiệt hiệu quả tới 60%, trong khi đó, truyền dịch chỉ hiệu quả trong 25%, hơn nữa sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ bị sốc và nhiễm trùng. Bên cạnh đó, nó sẽ gây những tác động không tốt đối với trẻ như đau đớn, sợ hãi... 
Quan trọng nhất là bù nước bằng đường uống 
Bình thường một trẻ trung bình cần khoảng 100 ml nước/kg cân nặng. Trong trường hợp sốt, nhu cầu nước sẽ tăng hơn bình thường nên lượng nước có thể cần khoảng 120 ml nước/kg. Do đó, đối với bệnh nhi mới sốt, theo TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bù nước là cho trẻ uống nước, sữa, nước hoa quả, nước canh, dung dịch oresol... Chỉ nên truyền dịch khi trẻ sốt quá cao, bị tiêu chảy, nôn nhiều dẫn tới cơ thể mất nước. Ngoài các nguy cơ sốc dẫn đến tử vong, nếu sát khuẩn không tốt, truyền dịch có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như viêm gan siêu vi. Thậm chí, nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể trẻ lại bị mất nước ưu trương, teo tế bào não rất nguy hiểm.


http://shoptretho.com.vn - Thiên đường cho bé
 
Shop Trẻ Thơ | Thông tin cần thiết cho mẹ và bà bầu © 2011 Shop Tre Tho &

Chuyen cung cap do so sinh tron goi